Bệnh tiểu đường hiện nay rất phổ biến về số người mắc bệnh cũng như biến chứng nguy hiểm mà nó mang lại. Hãy cùng các chuyên gia giải đáp thắc mắc liên quan đến căn bệnh này


Chào Bác sĩ! Mẹ của em năm nay 59 tuổi, phát hiện mắc tiểu đường tuýp 2 cách đây 3 tháng. Đường huyết của mẹ trong lần kiểm tra gần nhất là 7.8mmol/L. Cho em hỏi có phải do ăn ngọt quá nên bị tiểu đường hay không? Em được biết bệnh có tính di truyền, vậy những người trong gia đình em cần làm gì để phòng tránh bệnh này thưa bác sĩ? Xin bác sĩ cho lời khuyên về chế độ ăn uống và cách điều trị để mẹ em có sức khỏe tốt hơn. Cảm ơn bác sĩ!

Nguyễn Thị Hồng Cẩm (Quận Ba Đình. Hà Nội)

Chào bạn Hồng Cẩm! Hiện nay bệnh tiểu đường khá phổ biến, xuất phát từ tình trạng tăng đường huyết mạn tính, do giảm chức năng tiết hoocmon của tế bào beta tụy hoặc rối loạn hoạt động của hoocmon. Ở người bình thường, chế độ ăn quá nhiều tinh bột hoặc quá ngọt có nhiều nguy cơ dẫn đến việc dư thừa năng lượng làm dẫn đến thừa cân, béo phì. Khả năng mắc bệnh tiểu đường ở những đối tượng này khá cao. Nhận định rằng ăn ngọt quá nên bị tiểu đường thì không chính xác, vì thức ăn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong cơ thể nhưng đó là tác nhân chứ không phải nguyên nhân chính gây bệnh đái tháo đường.

Bệnh tiểu đường được ghi nhận có tính di truyền, vậy nên các thành viên trong gia đình đều có khả năng mắc phải. Tuy nhiên nếu chúng ta cảnh giác và tìm hiểu thì hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Đái tháo đường là bệnh do rối loạn chuyển hóa, nghĩa là liên quan đến vấn đề dinh dưỡng, do đó việc cần thiết để phòng tránh bệnh này chính là kiểm soát tốt việc ăn uống để đảm bảo đường huyết ổn định. Để có thực đơn hoàn hảo cần phải dựa vào các tiêu chí: lứa tuổi, giới tính, đặc điểm nghề nghiệp… Thông thường bữa ăn cần phải đảm bảo 3 thành phần chính đó là tinh bột chiếm khoảng 60% tổng số năng lượng, chất béo và chất đạm chiếm khoảng 20%. Nên bổ sung thêm nhiều chất xơ và vitamin có trong rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, và các loại trái cây …vì chúng giúp cơ thể bổ sung các loại vitamin, cắt giảm lượng chất béo và nhuận tràng. Suy nghĩ đến cách giảm cân nếu đang gặp tình trạng thừa cân, béo phì bằng phương pháp luyện tập thể dục thể thao, đây cũng là một phương pháp nâng cao sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Các thành viên trong gia đình cần đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kì. Mẹ bạn nên đo đường huyết thường xuyên và ghi chép lại để theo dõi mức độ của bệnh. Ngoài ra, bệnh tiểu đường gây nhiều biến chứng lên tim mạch, võng mạc, thận... Bạn nên chú ý để đưa mẹ đi kiểm tra nhằm phát hiện những tổn thương không đáng có.


Bạn có hỏi về chế độ ăn uống và cách điều trị để mẹ bạn có sức khỏe tốt hơn, thì lời khuyên dành cho mẹ bạn là hãy tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về thuốc và liều dùng để đạt được hiệu quả điều trị. Ngoài ra, mẹ bạn cũng có thể dùng thêm các loại thực phẩm bổ sung có thành phần từ thảo dược như: Dây thìa canh, Giảo cổ lam, Hoài sơn, Nghệ, Linh Chi, Ngũ vị tử… để kéo dài thời gian ổn định đường huyết khi kết hợp cùng thuốc tây đặc hiệu. Chế độ ăn uống của bệnh nhân tiểu đường không cần “kiêng kị”, mà chính xác là nên ăn “hợp lí”, tức là nên ăn điều độ, hạn chế các thực phẩm giàu tinh bột như cơm, phở (thay thế bằng gạo lứt sẽ tốt hơn), các loại trái cây chứa lượng đường cao như chuối, sầu riêng, mít… và cũng hạn chế tối đa những loại hoa quả sấy khô. Thực hiện được những điều trên đây thì căn bệnh này cũng không gây trở ngại cho sức khỏe của mẹ bạn.

Chúc bạn và gia đình thật nhiều sức khỏe!.

Nguồn: Lời khuyên lý tưởng cho bệnh nhân tiểu đường