Theo bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, sởi và rubella là hai bệnh khác nhau nhưng biểu hiện tương đối giống nhau, bệnh về đường hô hấp nên chỉ có một người nhiễm bệnh có nguy cơ lây lan. Các công nhân phải nghỉ việc, trẻ em có nguy cơ bị biến chứng sau sởi do suy giảm miễn dịch. Đặc biệt ở phụ nữ bị rubella khi mang thai, em bé có nguy cơ mắc hội chứng rubella bẩm sinh.

Ông Trần Quốc Nhân, Phó trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ bà mẹ mang thai mắc rubella thì con sinh ra có thể mắc những bệnh rất nguy hiểm như hội chứng não bé, tim bẩm sinh, điếc, vôi hóa ruột dẫn đến tiêu hóa kém. Cách đây 4-5 năm từng có một vụ dịch rubella và nhiều thai phụ mắc bệnh, dẫn đến số trẻ bị hội chứng rubella bẩm sinh năm đó cũng gia tăng.
Tuy căn bệnh nguy hiểm nhưng phòng bệnh lại không quá khó khăn. Theo bà Dương Thị Hồng, phụ nữ (nếu chưa được tiêm chủng) chuẩn bị mang thai nên tiêm chủng vắc xin ngừa rubella (thời gian tiêm trước khi có thai tối thiểu 3 tháng) sẽ phòng bệnh rất hiệu quả. Căn bệnh này cũng thường rất dễ lây lan tại các khu vực tập trung đông người như trường học, khu công nghiệp, ký túc xá…, nên rất cần chú ý phòng bệnh trong khu vực này.

Với bệnh sởi, lịch tiêm sởi hiện nay là thời điểm trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi vắc xin sởi đơn, trẻ 18 tháng tiêm vắc xin sởi- rubella.

Với bệnh rubella, học sinh sinh viên cần chủ động tiêm ngừa để bảo vệ cho chính mình, và với phụ nữ việc phòng ngừa trước khi mang thai cũng giúp bà mẹ khi mang thai có một thai kỳ khỏe mạnh sau này, phòng ngừa hội chứng rubella bẩm sinh cho em bé. Theo ông Nhân, thời gian bảo vệ sau tiêm được khoảng 15 năm.

Vnvc